Skip to content

Nhập khẩu tăm tre – chuyện nhỏ mà không nhỏ

Một đất nước đâu đâu cũng thấy tre, trúc. Cái tăm tre làm ra đâu có cần công nghệ cao siêu gì… Vậy mà chúng ta đang phải nhập khẩu

Chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp hạn chế nhập siêu, Bộ Chính trị đang triển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…, hàng triệu người dân đã hưởng ứng với mục tiêu góp sức đạt chỉ tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất có thể, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng. Thế nhưng, một tháng qua, chỉ tính riêng ở cảng Cát Lái thành phố Hồ Chí Minh, đã có tới 200 tấn tăm tre, trị giá khoảng 25.500 USD được nhập khẩu về1 tháng, lượng tăm tre nhập về đã là trên dưới 200 tấn; 6 tháng đầu năm lượng tăm tre nhập về cửa khẩu này là gần 1.000 tấn. Vậy còn mấy chục cảng khác thì sao?

Hãy khoan nói đến những thiệt hại về kinh tế. Tre Việt Nam được xuất thô đi nước ngoài, sau đó nhập sản phẩm là tăm về, chắc chắn đắt gấp nhiều lần. Ở đây, xin bàn vấn đề tư duy. Lâu nay, tăm tre bán trên thị trường hầu như đều xuất phát từ một số địa chỉ quen thuộc: Hội người mù các địa phương. Có nghĩa là sản phẩm này chủ yếu là do Hội người mù các địa phương tổ chức sản xuất hoàn toàn thủ công, bán trên thị trường theo kiểu kêu gọi mua để từ thiện, thế nên không có tính cạnh tranh. Chắc nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng, với cái tăm tre bé nhỏ thế, làm gì có cơ hội để làm giàu, để sản xuất lớn, nên bỏ qua mặt hàng này?

Cũng kiểu tư duy ấy, nhiều mặt hàng thông dụng khác cũng đã và đang bị bỏ qua. Khi cuộc sống của người dân được nâng cao lên, nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng, trong đó nhỏ nhất như cái tăm xỉa răng cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về chất lượng cũng là lẽ đương nhiên. Nguồn cung trong nước không có, hàng ngoại có cơ hội tràn về.

Hàng ngàn tấn tăm tre nhập khẩu ở một cửa khẩu trong một năm, ở một đất nước đâu đâu cũng thấy tre, thấy trúc, nghe mà xót xa, nhất là trong khi chúng ta đang kêu gọi tiết kiệm từng đồng ngoại tệ để ưu tiên nhập khẩu máy móc công nghệ hiện đại. Nếu Việt Nam tự sản xuất tăm tre thì mấy ngàn người sẽ có việc làm và Nhà nước sẽ tiết kiệm được lượng ngoại tệ không phải là nhỏ.

Đó là chưa kể với nguồn nguyên liệu dồi dào là tre trúc, Việt Nam hoàn toàn có khả năng xuất khẩu mặt hàng này với số lượng lớn. Con số 280 triệu USD về xuất khẩu tre của Việt Nam là quá thấp so với hơn 10 tỷ USD trên thị trường xuất khẩu tre và sản phẩm từ tre trên thế giới.

Từ việc nhập khẩu tăm tre, lại nghĩ đến nhiều việc phi lý hơn, như chuyện nhập khẩu muối, trong khi diêm dân nhiều vùng ven biển điêu đứng vì không tiêu thụ được muối; nhập khẩu đường, trong khi nhiều vùng nguyên liệu mía, nông dân phải đốt mía đi vì quá rẻ; nhập khẩu trái cây trong khi nhiều vùng quê, nông dân bán đổ bán tháo hoa trái như cho, vì nếu không bán nhanh, sẽ bị thối rữa…

Trong quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm cuối cùng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, có rất nhiều mắt xích đòi hỏi nhà tổ chức phải xác định rõ, nhằm tạo môi trường cho ăn khớp với nhau, trong đó vai trò liên kết của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Qua đó mới hy vọng tạo ra những sản phẩm có giá trị nội sinh cao, đóng góp nhiều về chất cho nền kinh tế. Và như vậy mới sớm chấm dứt những câu chuyện buồn, như câu chuyện nhập khẩu tăm tre./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *